Sách "Công nghệ sau thu hoạch lúa gạo ở Việt Nam" được xuất bản năm 2010 (Nxb Nông nghiệp) và được chuyển thảnh bản điện tử (eBook) năm 2022. Những diễn biến và phát triển mới về công nghệ sau thu hoạch lúa gạo ở Việt Nam từ 2010 đến nay được các tác giả viết thêm trong file này. Mỗi tác giả viết về nội dung cùng Chương của sách đã xuất bản, không qua bình duyệt (peer review). Coi như mỗi tác giả chịu trách nhiệm về độ chính xác của phần mình viết..

  

LỜI GIỚI THIỆU

     Thất thoát sau thu hoạch (STH) trong sản xuất lúa tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á chiếm 15 – 20%, xét về khối lượng. Nếu kể cả yếu tố chất lượng, thất thoát có thể đến 10- 30% giá trị trên thị trường. Do vậy, giảm được tổn thất sau thu hoạch sẽ góp phần làm tăng hiệu quả của sản xuất lúa gạo và nâng cao đời sống cho nông dân.
 
     Từ năm 2005 đến 2008, Dự án 9036 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Quỹ giảm nghèo của Nhật Bản (JFPR) “Cải thiện đời sống nông dân nghèo thông qua quản lý sau thu hoạch lúa” bắt đầu triển khai thử nghiệm những công nghệ sau thu hoạch đã được cải tiến tại 4 xã ở Việt Nam và 8 xã ở Campuchia. Những kết quả của các dự án này và Dự án của Nhóm Công tác Sau thu hoạch của Tổ chức Nghiên cứu Lúa Tưới (IRRC) do Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ (SDC) tài trợ hoạt động tại Indonesia, Lào, Myanmar, cho thấy những thất thoát có thể giảm đáng kể và thu nhập từ thu hoạch lúa được gia tăng, nếu nông dân và nhà chế biến được tạo điều kiện để lựa chọn các tiến bộ về quản lý và công nghệ sau thu hoạch như máy gặt, máy sấy lúa, hệ thống tồn trữ kín, kỹ thuật xay xát cải tiến v.v. Nông dân và nhà máy xay lúa trong dự án đều nhận ra những lợi ích của việc ứng dụng cách quản lý sau thu hoạch cải tiến, và ngày càng yêu cầu được hỗ trợ nhiều hơn về công nghệ, nhất là hệ thống bảo quản kín và sấy khô.
 
     Cùng với các dự án trên, dự án ADB RETA Số 6489, tựa đề “Đưa cuộc cách mạng nông nghiệp bền vững vào sản xuất lúa gạo tại Châu Á bằng cách giảm thiểu các thất thoát có thể ngăn ngừa được, trước và sau thu hoạch” (Bringing about a Sustainable Agronomic Revolution in Rice Production in Asia by Reducing Preventable Preand Postharvest Losses), với sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và do Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) chủ trì, triển khai tại 3 nước: Philippines, Campuchia, và Việt Nam. Tại Việt Nam, Dự án do Trường Đại học Nông Lâm Tp Hồ Chí Minh điều phối, với sự tham gia của các đơn vị Viện/Trường từ Bắc đến Nam nhằm triển khairộng khắp đến các vùng sản xuất lúa trên phạm vi cả nước. Các mục đích cụ thể của dự án là: a) giảm tổn thất STH qua việc phổ biến các cải tiến về kỹ thuật và phương pháp quản lý STH; b) tăng thu nhập cho nông dân; c) tăng cường các hệ thống khuyến nông; và d) hỗ trợ tăng cường đối thoại về các chính sách phát triển bền vững các công việc liên quan đến STH.
 
     Dự án đã bắt đầu bằng hội thảo đầu tiên từ 21–24 /04 /2009 tại Vũng Tàu, với đại biểu tham dự đến từ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, lãnh đạo các sở NN-PTNT, trung tâm khuyến nông, viện nghiên cứu, trường đại học, hợp tác xã nông nghiệp, đại diện các nhà máy xay xát, các nhà chế tạo thiết bị, và các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế IRRI). Hội thảo này đã xác định một trong những nội dung hoạt động chính tại Việt Nam trong thời gian tới là tăng cường kỹ năng chuyển giao công nghệ cho cán bộ khuyến nông và cán bộ kỹ thuật làm việc trực tiếp với sản xuất lúa gạo. Đội ngũ này chính là lực lượng nòng cốt để trang bị kiến thức cho nông dân thông qua việc mở rộng các mô hình trình diễn, tập huấn, hội thảo, tham quan nhằm nâng cao trình độ cho nông dân.
 
     Cho đến tháng tháng 09/2010, nhiều đợt huấn luyện tại các tỉnh và hội thảo liên vùng (nhiều tỉnh) đã được tiến hành, nhằm thực hiện các mục tiêu của dự án. Cuốn sách này được thực hiện để làm tài liệu phục vụ cho công tác huấn luyện tại các hội thảo. Ngoài ra, sách có thể dùng làm tài liệu tham khảo, giúp các cán bộ kỹ thuật địa phương phổ biến các kỹ thuật làm giảm tổn thất sau thu hoạch đến đông đảo nông dân. Nội dung của sách được thực hiện bởi những chuyên gia và cán bộ kỹ thuật có nhiều năm kinh nghiệm trên lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo. Tuy nhiên, do thời gian chuẩn bị sách có bị hạn chế, chắc chắn không tránh khỏi những sai sót. Các tác giả rất mong nhận được các phản hồi từ người đọc để cải tiến và bổ sung cho lần xuất bản sau.
 
TS. Nguyễn Lê Hưng
ĐH Nông Lâm Tp HCM
Điều phối viên Dự án
 

Số lần xem trang: 2353