Giảng viên Khoa Cơ khí – Công nghệ đã thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ của giảng viên qua các đề tài/ dự án, từ cấp Bộ, cấp Tỉnh và cấp Cơ sở. Nhiều kết quả là sản phẩm của nghiên cứu đã được triển khai ứng ứng trong sản xuất. 

Máy xới chăm sóc gốc xoài: Là kết quả nghiên cứu của đề tài tại Tỉnh Đồng Tháp do PGS.TS. Nguyễn Huy Bích làm chủ nhiệm, mẫu máy xới đất đầu tiên có bộ phận xới đặt phía trước giúp dễ dàng xới đất quanh gốc cây. Máy có chức năng làm tơi đất dưới gốc cây giúp bộ rễ dễ dàng hấp thụ phân bón, giảm thiểu đất và phân bón bị rửa trôi khi tưới hoặc khi trời mưa. Năng suất máy đạt 0,1 ha/h. Lợi ích máy mang lại là: tăng năng suất cây trồng, tăng hiệu quả phân bón, giảm nhân công lao động cho khâu chăm sóc xới đất quanh gốc cho cây ăn trái.

 

Máy xới chăm sóc gốc xoài

Nghiên cứu cơ giới hoá canh tác lúa: Với mục tiêu triển khai mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch cho cây lúa, Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng CGH canh tác cây lúa” đã được thực hiện tại Tỉnh Đồng Nai. Với những lợi ích mang lại, kết quả ứng dụng của đề tài đã thuyết phục nông dân dồn điền, các lô đất có diện tích nhỏ được gom thành lô đất lớn (rộng hơn 1ha được) nhờ ứng dụng máy san phẳng điều khiển bằng laser, các khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch cũng được thực hiện 100% bằng máy.

Máy san phẳng điều khiển bằng laser

Robot cắt tỉa viền cây xanh: Thiết kế, chế tạo Robot tự hành tỉa viền cây xanh đường phố, với năng suất cắt tỉa được 1180 m2 bề mặt viền cây khi tốc độ Robot di chuyển 1 km/giờ. Robot tự bám bệ xi măng trên đường và cắt tỉa ba mặt của viền cây xanh một cách tự động.

Hình ảnh robot tự hành tỉa viền cây xanh

Mô hình đếm cá giống tự động: Đề tài chế tạo mô hình hệ thống đếm cá giống tự động gồm bể chứa cá, bể thu ảnh, hệ thống van xả cá, hộp điều khiển và hiển thị kết quả đếm. Quá trình nhận dạng và đếm cá ứng dụng kỹ thuật xử lý ảnh. Bo mạch raspberry pi được sử dụng cho chương trình xử lý ảnh và điều khiển hệ thống giúp cho phần điều khiển trong mô hình nhỏ gọn, phù hợp với điều kiện làm việc tại các cơ sở cung cấp cá giống.

Nhận dạng cá giống trong bể

Mô hình robot thu hoạch cà chua: Đề tài xây dựng chương trình xử lý ảnh để nhận dạng cà chua chín và phân loại cà theo các thời kỳ chín khác nhau.  Xác định được vị trí tọa độ của trái cà cần thu hái trong khung hình. Xác định được vị trí tọa độ cả trái cà cần thu hái so với cơ cấu hái nhờ kết hợp xử lý ảnh và cảm biến siêu âm. Tính toán động học thuận và ngược để điều khiển robot hái trái.

Mô hình robot thu hoạch cà chua

Hệ thống khí hoá trấu: Hệ thống hóa khí trấu quy mô nông hộ được thiết kế, chế tạo và thực nghiệm tại Khoa Cơ khí - Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Hệ thống hóa khí trấu nhằm sản xuất đồng thời 2 sản phẩm là khí tổng hợp (syngas) và than sinh học (biochar). Khí tổng hợp có nhiệt trị khoảng 4,5 MJ/m3 được sử dụng trực tiếp hoặc lưu trữ cho nhu cầu đun nấu hoặc sấy nông sản và than sinh học được sử dụng trong nông nghiệp nhằm mục đích cải tạo đất.

Hệ thống hóa khí trấu thử nghiệm

Hệ thống sấy thủy sản sử dụng năng lượng mặt

Máy sấy cá cơm (và các thủy sản khác) năng suất 300kg/mẻ

Liên hợp máy phát và gom gốc rạ: Liên hợp máy phát và gom gốc rạ là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ, đã được thiết kế và chế tạo tại Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM và được thử nghiệm tại Long An và Tiền Giang (2016-2018). Máy được thiết kế liên kết với máy kéo có công suất 35 – 50 HP, với năng suất làm việc 4 ha/ngày. Việc phát và thu gom gốc rạ đã góp phần tăng lượng rơm được thu gom, bên cạnh đó giảm lượng khí phát thải nhà kính do giảm lượng rơm đốt trên đồng.

Máy phát gốc và gom gốc rạ

Máy hút lá khô và cắt cỏ công viên: Là kết quả nghiên cứu của đề tài sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM, với chủ nhiệm đề tài là sinh viên lớp DH17CK (Hoàng Trung Nguyên), máy kết hợp hai chức năng hút lá khô và cắt cỏ công viên. Máy có năng suất làm việc 610 m2/giờ, với độ cắt sót 2,2% và độ sót hút lá 0,6%. Máy được hoàn thành chế tạo năm 2021 và đang được tiếp tục thử nghiệm ở công viên thuộc khu công nghiệp tại Củ Chi, Tp.HCM.

Máy thử nghiệm làm việc tại công viên

Robot gieo hạt tự động (2020 - 2021): Được sự hướng dẫn của ThS. Đào Duy Vinh (Giảng viên), nhóm sinh viên ngành cơ điện tử, Khoa Cơ khí – Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm Tp. HCM, đã thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thành công robot gieo hạt tự động, với số lượng 5 hàng gieo, nguồn năng lượng từ bình ăcquy, điều chỉnh được khoảng cách hàng, vận tốc tiến và khoảng cách hạt trên hàng gieo. Đặc biệt, robot có tiềm năng ứng dụng phù hợp cho việc gieo nhiều loại hạt được trồng trong nhà kính. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đang tiếp tục phát triển robot này với năng suất lớn hơn để đáp ứng nhu cầu trong sản xuất.

Robot gieo hạt tự động

Đường link: https://www.youtube.com/watch?v=-U4FzGqf78Y&t=1s

 

Số lần xem trang: 2283