1. Giới thiệu
Khoa Cơ khí - Công nghệ ngày nay là sự tiếp nối của Ban Công thôn được thành lập vào năm 1965 với chuyên ngành đào tạo Công thôn thuộc trường Cao đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn (1963), Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp (1968), Học viện Quốc gia Nông nghiệp (1972), và Trường Đại học Nông nghiệp (1974). Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, theo quyết định của Bộ Nông nghiệp, ngày 08 tháng 12 năm 1976 Ban Công thôn được sắp xếp lại và thành lập Khoa Cơ khí Nông nghiệp. Năm 1993, trước yêu cầu phát triển, đòi hỏi của thực tế sản xuất và đào tạo đa ngành, Khoa Cơ khí Nông nghiệp được đổi tên thành Khoa Cơ khí - Công nghệ cho đến ngày nay. Hiện nay, đội ngũ giảng viên viên chức (GVVC) Khoa có 52 người trong đó 01 GS.TS., 03 PGS.TS., 9 TS, và 29 ThS., 95% giảng viên của khoa có trình độ sau đại học. Lực lượng giảng viên được đào tạo từ nhiều nước trên thế giới thuận lợi cho hội nhập và phát triển.
Lịch sử hình thành và phát triển khoa Cơ Khí Công Nghệ và Trường Đại học Nông Lâm TPHCM
2. Công tác đào tạo
-Khoa hiện đang đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học trong lĩnh vực cơ khí –công nghệ với các ngành: Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí (gồm 02 chuyên ngành Cơ khí Nông lâm và Cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm); Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử; Công nghệ Kỹ thuật Ô Tô; Công nghệ Kỹ thuật Nhiệt; Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí chất lượng cao; Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa; Công nghệ Kỹ thuật Năng lượng Tái tạo. Khoa đã đào tạo hơn 5000 kỹ sư, và hiện có hơn 2000 SV đang theo học các ngành của Khoa.
-Đào tạo sau đại học bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành Kỹ thuật Cơ khí từ năm 1991. Đã đào tạo hơn 200 thạc sĩ và 05 tiến sĩ.
3. Công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
-Với bề dày trên 55 năm, Khoa đã và đang thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí –công nghệ nhằm ứng dụng vào sản xuất, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn gồm: các hệ thống máy cơ giới hóa mía, bắp, lúa, đậu phộng, khoai mì..; hệ thống máy san phẳng đồng ruộng bằng laser; các hệ thống sấy nông sản thực phẩm; các máy phục vụ chăn nuôi như ấp trứng, nghiền, trộn, vo viên, ép thức ăn cho cá tôm; hệ thống giết mổ gia cầm tự động, nhà kính nhà lưới, thu hoạch nghêu…Đội ngũ GV khoa đã công bố khá nhiều kết quả nghiên cứu, với hơn 100 bài trên các tạp chí quốc tế uy tín SCI, ISI, Scopus, hàng trăm bài trên các tạp chí trong và ngoài nước.
- Khoa đã và đang chủ động hội nhập quốc tế: Thành viên Liên minh các Khoa Kỹ thuật Cơ khí – Công nghệ của các đại học vùng ASEAN (The ASEAN Universities Consortium on Food and Agro-based Engineering and Technology Education); Thành viên sáng lập mạng lưới Nông nghiệp, Thực phẩm và Năng lượng bền vững vùng Châu Á-Thái Bình Dương (SAFENetwork); ký kết MOU và MOA với nhiều trường đại học thuộc các nước: Pháp, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Thái Lan,…về đào tạo sau đại học và hợp tác đào tạo, trao đổi sinh viên và giảng viên, nghiên cứu khoa học, và chuyển giao công nghệ.