Số 3-2020 CÔNG THÔN tiếp tục trình người đọc một số bài dịch về cơ giới hóa ngoài đồng, chế biến nông sản, và năng lượng từ sản phẩm nông nghiệp. Người dịch chú ý đến bài về cày ngầm sâu, không phải vì có thể trực tiếp áp dụng ở Việt Nam, mà vì các ý tưởng từ bài báo.
Số 3-2020 CÔNG THÔN tiếp tục trình người đọc một số bài dịch về cơ giới hóa ngoài đồng, chế biến nông sản, và năng lượng từ sản phẩm nông nghiệp. Người dịch chú ý đến bài về cày ngầm sâu, không phải vì có thể trực tiếp áp dụng ở Việt Nam, mà vì các ý tưởng từ bài báo. Nghiên cứu về một loại máy nông nghiệp ngoài đồng --ở đây là cái cày-- đòi hỏi địa bàn rộng, thời gian dài. Lợi ích kinh tế cho toàn xã hội là rất lớn. Tuy chỉ lợi thêm 5 USD/ha mỗi vụ, nhưng nếu áp dụng cho cả triệu hecta, sau vài năm, qui ra VN.đồng sẽ là cả ngàn tỷ. Kinh phí nghiên cứu, dù chỉ vài tỷ đồng, cũng là quá lớn đối với các cơ sở cơ khí. Họ chỉ quan tâm đến cái cày phải có góc nghiêng bao nhiêu độ, hay bán kính cong sao cho làm đất tốt; để họ có thể chế tạo và bán thiết bị với giá mỗi cái cỡ chục triệu đồng. Có người cũng mò mẩm thử sai, nhưng chắc không bao quát được như kết quả nghiên cứu cơ bản. Các nghiên cứu này phải do các Viện cơ khí của trung ương hay của tỉnh đảm trách. Các Viện này không đi sâu vào thiết kế chi tiết mẫu máy để chế tạo, trừ phi để kiểm chứng tính năng làm việc của máy. Chế tạo phải do các công ty hoặc xưởng cơ khí thiết kế lại, trên cơ sở các thiết bị và vật liệu phù hợp tại nhà máy. Qua 40 năm, hình như chúng ta đã quá "chuyên môn hóa", với các đề tài "nghiên cứu thiết kế chế tạo máy XXX...", ra được mẫu máy tính năng tốt, nhưng ra đồng làm vài hecta thì... trục trặc. Hoặc thành tựu như "đã lắp đặt được dây chuyền chế biến cho công ty YYY". Doanh thu vài tỷ đồng quá nhỏ so với nhiệm vụ phải giải quyết cơ giới hóa cho hàng triệu hecta đất, có thể đem lại lợi nhuận hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Còn các viện về sinh học thì "chúng tôi chỉ chọn giống, bảo vệ thực vật, canh tác, còn cơ khí đã được phân công cho viện trung ương lo". Kết quả hiếm có máy nông nghiệp nào phù hợp với một cây trồng trên một loại đất cụ thể; rất ít nhà máy cơ khí có được số liệu cụ thể để ra mẫu máy hữu hiệu ngoài đồng.
Có lẽ cần thay đổi cách làm trên. Các viện cây trồng như Viện Lúa, Viện Ngô, Viện Mía Đường, Viện Cây Ăn Quả v.v, cần có bộ phận cơ khí để thí nghiệm cho cây trồng của mình trên các loại đất đai và địa bàn mà viện phụ trách. Cơ sở không quá cồng kềnh, chỉ đủ để vận hành so sánh các máy móc sẵn có (trong nước hoặc ngoại nhập); nếu cần có thể chế tạo mẫu trong một xưởng cơ khí nhỏ, mục đích để kiểm chứng tính năng. Chế tạo hàng loạt từ các kết quả nghiên cứu thành công sẽ do các công ty và cơ sở cơ khí đảm trách, sử dụng các số liệu cơ bản của Viện.
Cách làm mới này sẽ giúp tương tác giữa cơ khí và sinh học tốt hơn. Thực ra cũng chẳng mới gì, thế giới đều làm như thế. Ví dụ ở Mỹ, các máy nông nghiệp cụ thể là do John Deere, IH, v.v, hay hàng trăm công ty nhỏ hơn như Yetter, KelleyKMC v.v; còn các nghiên cứu cơ bản do USDA-ARS (Sở Nghiên cứu Nông nghiệp, thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) và các Trường Đại học (cũng nhận kinh phí nhà nước) đảm trách. Vai trò coi như phân công rõ, ít có trường hợp ngược lại.
Thực tế ở Việt Nam cũng có vài Viện có tham gia nghiên cứu cơ khí như Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, Viện Nghiên cứu Định Thành thuộc Tập đoàn Lộc Trời; có đóng góp cụ thể dù bộ phận cơ khí không tên tuổi đình đám. Mới chỉ là tự phát, cần chính sách hỗ trợ của nhà nước, cụ thể với nhân sự, cơ sở vật chất, kinh phí nghiên cứu v.v, để mỗi Viện giúp phát triển nông nghiệp với cây trồng liên quan, thích hơp với khí hậu mỗi địa phương, trên các loại đất cụ thể của các vùng miền. Như thế, nông nghiệp Việt Nam mới vững tin bước vào thời 4.0, với "hai chân" sinh học và cơ khí.
Phan Hiếu Hiền
phhien1948@gmail.com
Có thể tải file PDF “Thông tin CÔNG THÔN” số 1, 2, 3, 4-2018; 1, 2-2019; 1, 2, 3-2020 ở các website sau:
https://drive.google.com/ (GOOGLE DRIVE) có thể vào trực tiếp, hoặc vào
Facebook “AE Công Thôn” để tìm đường dẫn. Hoặc:
http://maysaynonglam.com/in-an-khoa-hoc.html
(Ấn phẩm khoa học của trang web “Máy Sấy Nông Lâm”)
Số lần xem trang: 2398