Bản thông tin này được phát hành trong những ngày đầu tháng 4-2020, trong 15 ngày mà Việt Nam "cách ly xã hội" vì đại dịch CoVid-19 (nCoV, en-Cô-Vy, Corona virus, Wuhan virus). Phần đông chúng ta, nhất là những người lớn tuổi, đều ở nhà theo khuyến cáo. Chúng ta có nhiều thời gian hơn để suy ngẫm về thế sự, trong đó có nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Cùng thời gian này, có những tranh luận về nên xuất khẩu hay ngừng xuất khẩu gạo trong lúc đại dịch này. Phải là..
Lời giới thiệu:
Bản thông tin này được phát hành trong những ngày đầu tháng 4-2020, trong 15 ngày mà Việt Nam "cách ly xã hội" vì đại dịch CoVid-19 (nCoV, en-Cô-Vy, Corona virus, Wuhan virus). Phần đông chúng ta, nhất là những người lớn tuổi, đều ở nhà theo khuyến cáo. Chúng ta có nhiều thời gian hơn để suy ngẫm về thế sự, trong đó có nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Cùng thời gian này, có những tranh luận về nên xuất khẩu hay ngừng xuất khẩu gạo trong lúc đại dịch này. Phải là chuyên gia kinh tế lão luyện mới ước lượng chính xác các vấn đề; người viết với một chuyên môn hẹp về kỹ thuật, nên chỉ dám nêu một số suy nghĩ từ cảm nhận trực quan, và liên hệ đến ngành nghề mình đã gắn bó từ lâu...
Có thể tạm chia ảnh hưởng của Covid-19 đến hai tầng lớp, ở thành thị và ở nông thôn. Khi đại dịch bùng phát, nước nào cũng vậy, dân đô thị hoảng hốt đi mua tích trữ thực phẩm, tức là trở lại với nhu cầu cơ bản là cái ăn. Do cách ly, người đô thị sống nhờ công thương nghiệp-dịch vụ bỗng dưng đa số thành thất nghiệp; người nghèo buôn thúng bán bưng bị đói và túng quẩn. Nước công nghiệp hóa càng cao càng bị ảnh hưởng nặng và suy thoái...
Nông dân ở thôn quê vẫn sản xuất, chưa có dấu hiệu gì sẽ mất mùa lớn trên thế giới. Nhưng lưu thông phân phối bị đình trệ, không còn nhiều máy bay tàu thủy hay xe hàng chở nông sản. Nông dân, nhất là ở Đồng bằng Sông Cửu Long, chủ yếu sản xuất hàng hóa, không tự cung tự cấp, nên chịu ảnh hưởng nhiều của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, không bán được nông sản.
Vậy nông dân chiếm khoảng 2/3 dân số cả nước, cần gì? Còn 1/3 dân đô thị cần gì và cần làm gì? Có hai điểm liên quan: xuất khẩu và an ninh lương thực.
1) Nông nghiệp cần xuất khẩu để đổi lấy những vật tư ta chưa sản xuất được, như hóa chất, thuốc sâu bệnh v.v; và một phần tích lũy cho đầu tư ban đầu của công nghiệp. Nhưng không phải cứ xuất khẩu nhiều, mà phải chọn lọc và xuất với giá cao. Các nhà làm chính sách, nhà khoa học đã nêu nhiều trên truyền thông: Bớt xuất khẩu gạo chất lượng thấp giá thấp; trở về với sản xuất nhiều phân hữu cơ, bớt lệ thuốc phân thuốc nước ngoài; cũng là cách xuất khẩu nông sản chất lượng cao và an toàn, v.v. Xuất quá nhiều (như với gạo IR50404) để làm gì, vì cân đối giữa các nước, ta phải nhập lại nho lê táo, túi xách hàng hiệu, và nhập lúa mạch để làm bia bọt, mà giá trị tương đương xuất khẩu gạo; lãng phí!
2) An ninh lương thực có đến hai phần: a/ Phần bột như gạo, bắp, đậu v.v; b/ Phần đạm và vitamin, như thịt cá và rau quả. Phần sau ít ảnh hưởng đến nông thôn, vì nông dân nào cũng có thể hái mớ rau, bẻ trái ổi sau nhà, bắt con cá dưới ao hay con gà thả vườn. Ngược lại, dân đô thị không có đất, cần mua được nông sản chất lượng cao và an toàn. Ngoài gạo, qui thực phẩm ra khoảng 0,5 kg thịt heo (lợn) cho gia đình 4 người, không quá sức người dân. Trở lại thị trường nội địa ở thành phố, cần thức ăn an toàn và chất lượng, Vậy vấn đề là điều phối trong nước, nông dân cung cấp thực phẩm cho thị dân, thành phố tạo điều kiện để phát triển nông thôn, nghĩa là mua với giá hơi thấp hơn xuất khẩu, nhưng vẫn còn cao so với giá nội địa hiện tại. Cách nào? --Từ khóa là "tiết kiệm", xin diễn giải như sau:
Đại dịch Covid-19 chỉ thực sự chấm dứt khi có vaccine cho tất cả. Còn bây giờ, nó đặt ra thách thức cho nền kinh tế. Nhà nước đã nói, cách ly không phải là "ngăn sông cấm chợ". Chỉ là với trong nước, chứ ra ngoài nước "chợ, sông" là quyền của người ta. Nên "chợ" trong nước cần điều chỉnh lại cho cả thành thị và nông thôn, bớt những thứ phù hoa, không ủng hộ ý "người ta có tiền, muốn xài gì là việc của họ". Bản thân tôi không đua đòi gì, thỉnh thoảng ra quán kêu ly cà-phê 20 000 đ, nghĩ ra bằng cả kg gao tốt, đủ cho gia đình 4 người ăn cả ngày, xem ra mình cũng "ngon" ! Nhưng lại nghĩ: nếu mình là 1 trong n người ngưng uống ly cà phê, thì nông dân trồng cà-phê, nhà chế biến và nhân viên quán cà-phê v.v, mỗi người sẽ bị giảm 1/n thu nhập! Càphê là của Việt Nam, đâu phải là táo New Zealand, nho Mỹ, túi xách Italia! Vậy quan điểm là tiêu thụ sản phẩm nội địa với giá cao chất lượng cao như sản phẩm xuất khẩu, và giảm bớt tiêu vào những thứ nhập khẩu xa xỉ.
Phải tiết kiệm, tiết kiệm để cơ giới hóa và công nghiệp hóa nông nghiệp. Sở dĩ Việt Nam xuất khẩu được nhiều gạo, vì điều kiện lúa nước có nước ở đất thấp, và mức độ cơ giới hóa cũng khá. Nhưng đất cao đang cần lúa, bắp, đậu, mía v.v, không thấy máy móc gì cả ngoài cái cày. Do thiếu nghiên cứu và đầu tư toàn diện. Khi nào có dư đủ loại nông sản, chắc tranh cãi về xuất hay không xuất gạo sẽ nhẹ nhàng hơn.
Nông dân không phải đến dịch Covid-19 mới cần, mà đã cần hàng thập kỷ rồi, đó là tăng lợi nhuận bằng tăng chất lượng và năng suất (với qui mô lớn), và tăng khả năng chế biến và tồn trữ để ứng phó với thị trường biến động, giảm tổn thất sau thu hoạch. Muốn được như vậy, ngoài đồng nông dân cần sản xuất với qui mô lớn --cơ giới hóa; trong nhà, doanh nghiệp chế biến cần kết nối với thị trường tạo đầu ra cho nông dân --cũng phải cơ khí hóa và hiện đại hóa.
Khá tình cờ, trước khi xảy ra nCovi, chúng tôi đã dịch các bài về phân hữu cơ, tiết kiệm nước, bảo vệ đất. Covid-19 "giúp" nhìn rõ vấn đề hơn về nông nghiệp, nhất là cần tiết kiệm gì...
Vài suy nghĩ thô sơ xin chia sẻ, các bạn nghĩ sao? Hoan nghênh các góp ý của các bạn. Trân trọng kính chào.
Phan Hiếu Hiền phhien1948@gmail.com
Có thể tải file PDF “Thông tin CÔNG THÔN” số 1, 2, 3, 4-2018; 1, 2-2019; 1-2020 ở các website sau: https://drive.google.com/ (GOOGLE DRIVE) có thể vào trực tiếp, hoặc vào Facebook “AE Công Thôn” để tìm đường dẫn. Hoặc:
https://maysaynonglam.com/in-an-khoa-hoc.html (Ấn phẩm khoa học của trang web “Máy Sấy Nông Lâm”)
Số lần xem trang: 2390