Bắt đầu từ số này, Thông tin “Công Thôn” được đổi tên thành Thông tin “Cơ khí và Công nghệ Nông nghiệp”, vẫn có cùng nội dung như Công Thôn, tiếng Anh “Agricultural Engineering, AE”.

 

LỜI GIỚI THIỆU   

Bắt đầu từ số này, Thông tin “Công Thôn” được đổi tên thành Thông tin “Cơ khí và Công nghệ Nông nghiệp”, vẫn có cùng nội dung như Công Thôn, tiếng Anh “Agricultural Engineering, AE” bao gồm:
● Cơ khí nông nghiệp 
● Tài nguyên đất, nước và môi trường nông nghiệp
● Xây dựng chuồng trại, nhà xưởng phục vụ nông nghiệp
● Sau thu hoạch và chế biến nông lâm thủy sản, kể cả chế biến thực phẩm
● Năng lượng trong nông nghiệp
● Công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp
Chữ “Công Thôn” với ý nghĩa công nghiệp hóa nông nghiệp, rất hay, làm liên tưởng đến nhiều nội dung, nhưng nghe chưa “quen tai” với đa số người đọc, có thể làm “loãng” ý chính cần chuyển tải.  Cụm từ “Cơ khí và Công nghệ Nông nghiệp” thì thẳng thừng hơn, nhấn mạnh vai trò của cơ khí trong nông nghiệp.  Trừ vài ngoại lệ, đa số các công nghệ đều có sử dụng các thiết bị cơ khí.  Chúng ta hiện nghe nhiều về CN4.0 toàn những món “cao cấp”, nhưng cái cơ bản để người nông dân bớt nhọc nhằn, làm qui mô lớn, tăng đồng đều chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, thì… coi như mặc định, coi như cơ khí cho nông nghiệp thì để nông dân tự lo…
Nhưng không phải cơ khí vì cơ khí.  Chỉ có ý nghĩa khi có tương tác giữa thiết bị cơ khí và các đầu vào khác --nông học, đất đai, khí hậu, thủy nông v.v-- đến đầu ra là năng suất nông nghiệp và lợi nhuận cho nông dân và xã hội. 
Để nêu bật tính đa ngành của “AE”, số này chỉ có 02 bài về máy sấy và máy xay xát, còn lại tập trung vào các tương tác trên.  Có lẽ cần bắt đầu với 2 vấn đề:  chất hữu cơ cho nông nghiệp, và bảo vệ đất đai trong nông nghiệp. 
“Chất hữu cơ” ở đây chưa tính đến nông nghiệp hữu cơ để sản phẩm có giá gấp 2-3 lần so với cùng loại.  Mà là hữu cơ để bồi dưỡng cho đất, giúp chống xói mòn, giữ nước giữ đất.  
Vấn đề bảo vệ đất-nước đã được nhiều chuyên gia đầu ngành Nông hóa- Thổ nhưỡng (Thái Công Tụng, Nguyễn Tử Siêm v.v) đề cập và chỉ ra nhiều biện pháp cụ thể, với các tài liệu rất giá trị.  Tuy nhiên hầu hết chỉ chú ý đến các mặt sinh học và hóa học; chưa thấy nhà cơ khí nào đưa ra và áp dụng đại trà một công cụ nào tương ứng.  Làm đất tơi xốp với cái cuốc thì cũng được, cũng cho năng suất cây trồng cao, nhưng không thể giúp nông nghiệp phát triển ở qui mô lớn.  Tương tự, tạo ruộng bậc thang, để cây che phủ v.v, đều là các biện pháp hữu ích, nhưng cứ làm thủ công, thì đến bao giờ nhiều triệu hecta đất hơi dốc,
đất xám bạc màu v.v (có lẽ lớn hơn so với diện tích đất trồng lúa) mới góp phần cho nông nghiệp hiện đại của Việt Nam?
Hiện nay, chúng tôi chỉ tiếp cận được nguồn tài liệu từ ASABE của Mỹ, nhưng không có ngoại ngữ để chuyển tải những tài liệu bằng tiếng Pháp, Đức, Nga v.v, dù biết các nước này cũng tích lũy rất nhiều kinh nghiệm về cơ giới hóa phục vụ nông nghiệp.  Mong các bạn đọc tiếp sức.  Dĩ nhiên bài dịch cần trích dẫn nguồn, và tốt nhất là được sự chấp thuận của tác giả hoặc nhà xuất bản liên quan.
Chào đón năm 2020, chưa thành nước công nghiệp như mong muốn, thì cần bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến vấn đề cơ bản “Công nghiệp hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn, CÔNG THÔN” hay rõ nghĩa ra “Cơ khí và Công nghệ Nông nghiệp”. Hoan nghênh các góp ý của các bạn.  Trân trọng kính chào.   
Phan Hiếu Hiền  phhien1948@gmail.com    
Có thể tải (download) file PDF “Thông tin CÔNG THÔN” số 1, 2, 3, 4-2018; 1, 2-2019; 1-2020 ở các website sau: https://drive.google.com/ (GOOGLE DRIVE) có thể vào trực tiếp,
hoặc vào Facebook “AE Công Thôn” để tìm đường dẫn.https://maysaynonglam.com/in-an-khoa-hoc/thong-tin-co-khi-va-cong-nghe-nong-nghiep-so-1-nam-2020-215.html (Ấn phẩm khoa học của trang web “Máy Sấy Nông Lâm”)

Số lần xem trang: 2356