Người biên tập, Phan Hiếu Hiền (PHH), năm nay 70 tuổi, đã về hưu sau 38 năm giảng dạy ở Khoa Cơ khí- Công nghệ thuộc Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh#. Mười năm hưu, cũng đã tham gia tư vấn vài Dự án, nay rảnh rổi hơn, nên nghĩ đến việc chuyển tải thông tin đến các bạn trẻ hơn, hy vọng giúp họ chút ít trong công việc nghiên cứu và ứng dụng. Chủ đề CÔNG THÔN (viết tắt từ “Công nghiệp hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn”) lấy gợi ý từ tiếng..
LỜI MỞ ĐẦU
Đất dốc hiện là vấn đề của cây trồng cạn ở Việt Nam (VN). Lý thuyết, đất dốc thì trồng rừng để giữ đất nước. Nhưng người dân đã “lỡ” phá rừng để trồng bắp trồng đậu thì cũng khó đuổi họ đi. Áp lực dân số tăng cần thêm đất nông nghiệp, muốn không để dân tự phát thì phải qui hoạch phần đất tăng thêm này, với các biện pháp để giữ đất nước tương tự như với cây rừng.
Cây trồng cạn, tiêu biểu là mía và bắp, thứ hạng VN lần lượt là 41/104 nước và 68/169 nước; năng suất dưới trung bình (FAOSTAT 2018). Khác với cây lúa, Việt Nam đứng thứ 27 trên 120 nước năng suất (tấn/ha) trên mức trung bình.
Tại sao năng suất mía ở Việt Nam không đạt số cao 120 tấn/ha, hay bắp 12 tấn/ha? Thử xét với góc độ Nước- Phân- Cần- Giống.
Giống? Khó có thể nói là Kỹ sư Nông học ra trường vào làm ở Viện Lúa sẽ giỏi hơn ở Viện Ngô hay Viện Mía về lai tạo giống! Cần? Đồng ý là nếu cơ giới hóa, công việc sẽ nhanh hơn, kịp thời vụ, giảm lao động và giá thành sản xuất, nhưng không lảm tăng hay giảm năng suất (tấn/ha) một cách rõ rệt. Vậy chắc chỉ còn 2 yếu tố Nướcvà Phân ?
Bón phân nhiều cho lúa, năng suất khá cao. Lúa nước trồng ở chỗ trũng bằng phẳng (dù diện tích nhỏ) có nước, nước giữ phân bón lại. Dĩ nhiên nếu có phân hữu cơ (điều còn thiếu ở Đồng bằng Sông Cửu Long) thì hiệu quả phân bón còn cao hơn, năng suất có thể cao hơn nữa... Tạm bằng lòng với “thành tích” của cây lúa nước. Ngược lại, bón phân nhiều cho mía và bắp mà năng suất không cao, chỉ có thể giải thích là phân (và cả nước) đã bị trôi đi. Điều này có cơ sở khi xét đến độ dốc và lượng mưa ở Việt Nam. Giáo trình thủy lợi và đất đai nói rằng khi độ dốc lớn hơn 0,5% (nghĩa là hai điểm cách nhau 100 m có độ cao chênh lệch hơn 0,5 m), thì xảy ra xói mòn và mất đất-nước. Có thể dễ dàng kiểm chứng với các phương trình phổ biến, ví dụ RUSLE (Revised Universal Soil Loss Equation). Thế mà bản đồ qui hoạch vẫn xếp đất có độ dốc dưới 3% là bằng phẳng! Xếp loại theo kiểu Âu Mỹ chăng? Nhưng mưa ở phần lớn các vùng của Âu Mỹ đâu có trút nước như ở TP Hồ Chí Minh hay ĐBSCL? Ở hầu hết xứ ôn đới, mưa rãi đều trong năm, có nơi dự báo thời tiết rằng “xác suất mưa 50%” nghĩa là 1 ngày nắng 1 ngày mưa! Cá nhân đã trải nghiệm đi dưới mưa gần nửa giờ mà chưa ướt áo; mưa cả ngày 2- 4 mm làm sao ướt được! Ngược lại, ở TPHCM, ĐBSCL và miền Đông Nam bộ, không hiếm trận mưa 30 mm trong nửa giờ, sẽ “ướt như chuột lột”! Xói mòn đất và nước là không tránh khỏi.
Suy nghĩ trên không thuần cảm tính mà từ một thực tế. Năm 2015, chúng tôi chủ trì một đề tài về cơ giới hóa mía, đem thử nghiệm máy trồng mía kiểu mới. Cày sâu, trồng bằng máy “ngon lành” lắm, hơn mấy chục lao động thủ công, đúng qui cách... Nhưng tối hôm đó, mưa một trận làm trôi hết (hom giống, phân, nước...) xuống chỗ trũng.
Suy nghĩ trên về đất dốc coi như là một giả thuyết. Thực tế trên chỉ là đơn lẽ. Nên chúng tôi mong nhận được các góp ý của các bạn về nội dung trên. Nguyên nhân và giải pháp nào để “giữ đất giữ nước”. Trong lĩnh vực “Công Thôn”, ngành cơ khí có thể góp phần được những gì? Như đã đề cập trong các số trước, cơ khí không thể đứng một mình trong nông nghiệp, mà cần tương tác với Trồng Trọt và Thủy lợi-Thủy nông. Tương tác như thế nào trên đất dốc?
Phan Hiếu Hiền phhien1948@gmail.com
Có thể tải (download) file PDF “Thông tin CÔNG THÔN” số 1,2, 3, 4-2018, và số 1,2-2019 ở các website sau:
(Trung tâm Năng lượng và Máy nông nghiệp, ĐH Nông Lâm TPCM).
(Ấn phẩm khoa học của “Máy Sấy Nông Lâm”)
Số lần xem trang: 2377