SINH VIÊN KHOA CƠ KHÍ - CÔNG NGHỆ VÀO CHUNG KẾT CUỘC THI KHỞI NGHIỆP NÔNG NGHIỆP LẦN VI – NĂM 2023
Ngày 31 tháng 10 năm 2023 tại nhà điều hành Thiên Lý, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, đã diễn ra vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp. Cuộc thi thu hút 48 dự án tham gia và sau vòng tập huấn khởi nghiệp hội đồng đã chọn ra 30 dự án vào vòng bán kết, trong đó có 4 dự án của khoa Cơ khí Công nghệ.
Quang cảnh khai mạc vòng thi bán kết
Kết thúc vòng bán kết, có 3 dự án của khoa Cơ khí Công nghệ đã xuất sắc giành giải Nhất, Nhì và Ba; 2 dự án giành giải Nhất, Nhì sẽ cùng với 8 dự án từ 4 tiểu ban khác đi tiếp vào vòng chung kết và dự án giành giải Ba sẽ tiếp tục trải qua vòng thi với 4 dự án khác để chọn ra 2 dự án vào vòng chung kết.
Giải Nhất, dự án "Mô hình quản lý nhân công và máy móc nông nghiệp sử dụng kĩ thuật số" của nhóm các bạn sinh viên gồm: Lê Anh Tuấn, Đào Sĩ Phong, Đỗ Minh Quang lớp DH20CKC, ngành Kỹ thuật Cơ khí chất lượng cao (CLC).
Nhóm nghiên cứu trình bày dự án trước hội đồng
Dự án này xây dựng một ứng dụng cùng với website trung gian nhằm liên kết những chủ máy với người nông dân có nhu cầu sử dụng máy móc thiết bị trong nông nghiệp. Agro là ứng dụng di động cung cấp dịch vụ trong ngành giao thông vận tải và máy móc trong nông nghiệp, kết hợp với website để thực hiện giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
Giao diện đăng nhập của ứng dụng Agro
Mục tiêu là liên kết những người nông dân, chủ vườn hoặc chủ ruộng với những chủ máy và thiết bị nông nghiệp cùng với nguồn lao động tại địa phương, nhằm tăng hiệu quả sử dụng máy và thiết bị cũng như tìm kiếm được nguồn lao động kịp thời cho người nông dân.
Điểm nổi bật của dự án
Giải Nhì, dự án “ Agri-Vista: Nông Nghiệp Thông Minh”, được thực hiện bởi các bạn sinh viên: Bùi Vũ Khánh An, Nguyễn Bảo Giang, Nguyễn Hoàng Tuấn, Phạm Thị Tuyết Huyền, Lê Hoàng Phúc ngành Cơ Điện tử, Quản trị kinh doanh, Hệ thống thông tin và ngành Nông học.
Bạn Bùi Vũ Khánh An trình bày dự án trước hội đồng
Dự án xây dựng một phần mềm quản lý trang trại trồng cây tích hợp với hệ thống IoT, giúp người dùng tự động hóa và tối ưu hoá hoạt động trang trại. Với tính năng giám sát môi trường, phần mềm cung cấp thông tin về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và chất lượng đất người dùng có thể dễ dàng theo dõi các thông số này và nhận cảnh báo khi có sự thay đổi không mong muốn. Sản phẩm cung cấp báo cáo thống kê, phân tích và dự báo, giúp người dùng hiểu rõ về hiệu suất sản xuất và đưa ra quyết định thông minh. Tính năng quản lý sâu bệnh cũng được tích hợp giúp phát hiện và xử lý vấn đề sâu bệnh kịp thời để đảm bảo sự tăng trưởng và chất lượng của cây trồng.
Giải Ba, dự án “Giải pháp xử lý bã mía thành than sinh học quy mô gia đình” được thực hiện bởi 2 bạn sinh viên Trần Ngọc An Thư, Phạm Trần Hoàng lớp DH22RE, ngành Kỹ thuật Năng lượng tái tạo. Ý tưởng đề tài này xuất phát từ thực tế các xe ép nước mía tại Tp.HCM thải ra lượng bã mía rất lớn hằng ngày, lượng bã mía này nếu không kịp xử lý hợp lý sẽ gây ra ô nhiễm môi trường.
Điểm nổi bật của dự án
Dự án đã đề xuất giải pháp xử lý bã mía thành than sinh học nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Than sinh học có thể được sử dụng để xử lý nguồn nước bị ô nhiễm hoặc làm giá thể cho phân hữu cơ.
Khoa Cơ khí - Công nghệ xin chúc mừng các nhóm nghiên cứu và chúc các bạn đạt kết quả tốt tại vòng chung kết của cuộc thi.
Đoàn - Hội sinh viên CKCN
Số lần xem trang: 2877