Ông Cao Đức Phát – Chủ tịch HĐQT, IRRI – Phát biểu chào mừng

Ngày 13 và 14/7/2023 tại tỉnh Hậu Giang đã diễn ra Hội thảo “Tham vấn chính sách về Quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp” và “Trình diễn đồng ruộng thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững” do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức.

Hội thảo có phát biểu chào mừng của lãnh đạo Bộ NN&PTNT – TS. Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; TS. Cao Đức Phát – Chủ tịch HĐQT, IRRI; Ông Trương Cảnh Tuyên – UV BTV Tỉnh Ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang.

Tại Hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT báo cáo về hiện trạng và định hướng quản lý rơm rạ của Bộ NN&PTNT, bên cạnh đó TS. Nguyễn Văn Hùng – Nhà khoa học cao cấp của IRRI trình bày về Nông nghiệp tuần hoàn từ rơm (RiceEco). Sau đó các diễn giả đã trao đổi và thảo luận: Định hướng chính sách cho quản lý rơm rạ phục vụ đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” và Liên kết các tác nhân (nhà nước – doanh nghiệp – hợp tác xã/nông dân – khoa học công nghệ) trong thực hiện quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp.

Cũng tại hội thảo này, Quy trình và “Sổ tay hướng dẫn Quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long” với sự tham gia soạn thảo của TS. Nguyễn Thanh Nghị, Trưởng Bộ môn Công thôn, Khoa Cơ khí Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh đã được công bố và ra mắt.

Sự kiện trình diễn đồng ruộng về Công nghệ thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững có sự tham gia của các công ty sản xuất và kinh doanh máy nông nghiệp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long như: Công ty TNHH MTV Cơ khí Nông nghiệp Phan Tấn, Công ty TNHH MTV Tư Sang, Công ty Máy Nông nghiệp Yanmar, Công ty AiO Việt Nam, Công ty TNHH TM-SX-ĐT Giang Lan,… và đặt biệt là sự tham gia của lãnh đạo các Sở NN&PTNT vùng ĐBSCL, đại diện các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hơn 300 nông dân của tỉnh Hậu Giang và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Khoa Cơ khí Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh tham gia sự kiện với vai trò là cơ quan nghiên cứu và chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật các máy móc, thiết bị cơ giới hóa thu gom rơm và sản xuất phân hữu cơ. Tại hội thảo và trình diễn, Khoa Cơ khí Công nghệ cũng đã kết nối với các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và công ty máy nông nghiệp trong việc tập huấn, đào tạo và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao” trong thời gian tới.

 

Số lần xem trang: 2287