http://www.vsage.vn/tin-tuc-su-kien/hoi-co-khi-nong-nghiep-viet-nam-to-chuc-ky-niem-25-nam-thanh-lap/

Nhìn lại chặng đường 25 năm qua, Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về lực lượng hội viên, tổ chức hội và đa dạng, phong phú các hình thức hoạt động.Trong vô vàn những công việc có tên và không tên, đội ngũ những người làm cơ khí nông nghiệp trong cả nước đã lặng thầm cống hiến với một ước muốn giản dị là đưa máy móc thay thế cho sức người, nâng cao năng suất lao động, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Tại Lễ kỷ niệm này, chúng ta cùng nhau ôn lại những chặng đường và những thành tựu mà Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam đạt được qua 25 năm xây dựng và phát triển.

 

  1. Về Tổ chức

Hội tập hợp đông đảo các chuyên gia đầu ngành, tâm huyết trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp và chế biến nông lâm thuỷ sản; các cán bộ khoa học ở các Viện, Trường; cán bộ quản lý và đặc biệt là sự tham gia của những người thợ nông dân, những “kỹ sư chân đất” gắn bó với đồng ruộng, say mê cải tiến, sáng tạo máy móc phục vụ nông nghiệp trên phạm vi cả nước. Từ số lượng hội viên ít ỏi ban đầu, đến nay Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam đã có 1013 hội viên, 8 ban chuyên môn, 02 Trung tâm trực thuộc và 14 Phân hội. Các phân hội theo đặc thù công việc, vùng miền đã làm tốt công tác tổ chức, động viên hội viên tham gia tích cực vào công tác của Hội.

Từ năm 2011, Hội được Bộ Thông tin truyền thông cho phép xuất bản Tạp chí Công nghiệp nông thôn. Hội đãxây dựng quy chế hoạt động của tạp chí, phân công ban biên tập và hội đồng biên tập. Thành lập chi hội nhà báo tạp chí,đến nay có 46 hội viên Hội nhà báo Việt Nam tham gia công tác biên tập và cộng tác viên của Tạp chí.

Năm 2016, chi bộ Đảng Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam được thành lập, trực thuộc Đảng bộ khối doanh nghiệp quận Đống Đa. Việc thành lập tổ chức cơ sở Đảng đã tăng cường công tác lãnh đạo Hội, thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chính trị của Hội.

  1. Các hoạt động của Hội ngày cành phong phú, đa dạng

2.1. Công tác nghiên cứu khoa học:

Ngay từ những năm đầu thành lập, Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam thông qua các phân hội và hội viên đã tiến hành xây dựng mô hình cơ giới hoá đồng bộ, ứng dụng các kỹ thuật tiến tiến của các nước như kỹ thuật làm mạ khay, mạ thảm, cơ giới hoá canh tác lúa đồng bộ tại Mỹ Hào (Hưng Yên) và nhân rộng ra một số địa phương khác. Các phân hội (Viện, Trường) đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều dự án chuyển giao công nghệ, máy móc về cơ giới hoá nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch. Nhiều hội viên là nông dân đã mày mò, chế tạo máy móc, cải tiến công cụ, nhiều sản phẩm được cấp bằng sáng chế như: máy gặt đập liên hợp, máy gieo hạt, máy phun thuốc trừ sâu vv…

Phối hợp với các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ khoa học như: đề tài “Nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế tạo máy và thiết bị dùng trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản nhằm đẩy nhanh hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn nâng cao hiệu quả sản xuất tăng thu nhập cho nông dân”;dự án Điều tra thực trạng chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản trong các loại hình tổ chức sản xuất; điều tra, đánh giá tổn thất sau thu hoạch cà phê ở 5 tỉnh miền Trung…Tham gia xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về máy nông nghiệp; thẩm định tiêu chuẩn nghề và các chương trình dạy nghề cho nông dân.Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân sử dụng máy nông nghiệp tại nhiều địa phương trong nước.

Phối hợp tổ chức và tham gia các Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế như: Hội nghị về cơ khí nông nghiệp và kỹ thuật hệ thống sinh học (Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam,Phân Hội Đại học Nông Lâm TP. HCM phối hợp với Tổ chức phi lợi nhuận của nông dân Quốc tế Nhật Bản); Hội nghị khoa học và công nghệ chuyên ngành cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch với tham luận “Nhận diện và thúc đẩy phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của nông dân về cơ khí nông nghiệp”; Đánh giá thực trạng về cơ điện nông nghiệp sau 30 năm đổi mới.

2.2. Công tác tư vấn, phản biện:

Hội đã tham gia tư vấn, góp ý với các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và PTNT về các vấn đề liên quan đến cơ giới hoá nông nghiệp như: danh mục chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; xác định những máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp được miễn thuế VAT, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tham gia tổ biên tập xây dựng dự thảo thông tư quy định quản lý chất lượng các loại máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp. Tư vấn cho chương trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chế biến nông sản quy mô lớn ở tỉnh Vĩnh Phúc theo yêu cầu của Viện Cơ điện nông nghiệp và CNSTH.

Hội phối hợp với Phân hội Đại học Lâm nghiệp và Phân hội Học viện nông nghiệp Việt Nam tổ chứchội thảo, tư vấn về phương hướng đào tạo và xây dựng giáo trình đào tạo kỹ sư cơ khí chuyên ngành.

2.3. Tập hợp và phổ biến sáng kiến cải tiến công cụ, máy thiết bị phục vụ nông nghiệp và nông thôn:

Hội đã tập hợp được 174 sáng kiến cải tiến của 149 nông dân, trong đó có 61 người là hội viên Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam. Trong số 174 sáng kiến cải tiến, có 34 được cấp bằng sáng chế, chiếm tỷ lệ 19, 5%.

Hội đã có những biện pháp hỗ trợ sáng kiến của nông dân như: góp ý để các tác giả hoàn thiện sáng kiến, tuyên truyền phổ biến sáng kiến trên tạp chí công nghệp nông thôn và trang web của Hội, có hình thức động viên khen thưởng kịp thời.

2.4. Hoạt động báo chí, xuất bản của Hội

Mặc dù nguồn kinh phí hết sức eo hẹp, song từ khi được phép xuất bản Tạp chí (tiền thân là Tờ tin Cơ điện nông nghiệp và CBNLS), Hội duy trì, xuất bản đều đặn 4 số Tạp chí mỗi năm. Nội dung của Tạp chí không ngừng được nâng cao. Số trang tạp chí tăng từ 40 lên 80 trang, trong đó các bài khoa học chiếm tỷ lệ 70 – 80%. Từ tờ tin đến Tạp chí từ 2005 đến 2019 tờ báo của Hội đẫ qua 15 năm trưởng thành.

Nhằm đưa kỹ thuật sử dụng máy móc nông nghiệp, các tiến bộ kỹ thuật đến tận người nông dân, Hội đã chủ trì biên soạn và phối hợp với NXB Nông nghiệp xuất bản 5 tập sổ tay với 2.000 trang xuất bản  phục vụ bạn đọc cả nước và xuất bản hàng chục tập sách mỏng (80 đến 120 trang)  hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” các công nghệ và kỹ thuật về cơ khí nông nghiệp, chế biến, bảo quản nông sản và ngành nghề nông thôn.Trong nhiệm kỳ V, Hội đã biên tập, xuất bản và phát hành được 9 đầu sách.

2.5. Công tác đối ngoại:

Từ tháng 7/2016, Hội được kết nạp làm thành viên chính thức của Hiệp hội máy nông nghiệp Châu Á – Thái Bình Dương (ReCAMA).Hàng năm, Hội đều cử đại biểu tham dự các hội nghị thường niên của ReCAMA (năm 2017 tại Trung Quốc, năm 2018 tại Thái Lan); tổ chức cho hội viên thăm quan, khảo sát, tập huấn kỹ thuật tại một số nước thuộc Hiệp hội.

Hội cũng chủ động đề nghị tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ kỹ thuật sử dụng, vận hành máy nông nghiệp gắn với dự án xây dựng cánh đồng lớn.Xây dựng quan hệ hợp tác với Hiệp hội chế tạo máy nông nghiệp Nhật Bản JAMMA, công ty BIPC, tập đoàn Kubota,công ty Yanmar; các công ty chế tạo máy nông nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc…, làm đầu mối để triển khai các dự án hợp tác với các hội viên của Hội.

3.Khen thưởng

Với kết quả công tác trong 25 năm xây dựng và phát triển, Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam đã được Nhà nước và các Bộ, ngành ghi nhận bằng các hình thức khen thưởng sau:

– Huân chương Lao động hạng 3 (năm 2013)

– Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2010)

– Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT (2008, 2009, 2018)

– Bằng khen của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (2008, 2018)

– Bằng khen của Tổng hội Cơ khí Việt Nam (2003).

Nhiều tập thể và hội viên của Hội được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành về thành tích trong nghiên cứu, sáng tạo máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

  1. Bài học kinh nghiệm rút ra từ 25 năm xây dựng và phát triển của Hội có thể đúc kết như sau:

Một là:Sự tham gia tự nguyện của các hội viên tâm huyết với nghề;các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương đoàn kết, chung sức, chung lòng, chủ động và năng động trong triển khai thực hiện các chủ trương, kế hoạch đề ra.

Hai là:Làm tốt công tác tuyên truyền để toàn thể hội viên nhận thức sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; về tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của cơ giới hoá và chế biến nông lâm sản trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hoá.

Ba là:Khó khăn lớn nhất của Hội xã hội – nghề nghiệp là phải hoàn toàn tự lo về kinh phí hoạt động. Sự hỗ trợ tài lực, vật lực của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thuộc Hội là không thể thiếu để duy trì hoạt động của Hội ổn định và phát triển ngày một lớn mạnh.

Bốn là:Lãnh đạo Hội và các Phân hội có vai trò hết sức quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết hội viên và chủ động, sáng tạo đề ra Chương trình và các nội dung hoạt động cụ thể, tạo khí thế thi đua lao động, sáng tạo, tạo hiệu ứng lan toả trong toàn thể hội viên và các cấp hội.

Năm là: Cần giữ mối quan hệ thường xuyên với các cơ quan qunr lý Nhà nước, các cơ quan cấp trên của Hội, các tổ chức đoàn thể liên quan để tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ về mọi mặt để Hội thực hiện tốt nhất chức năng là “cánh tay nối dài”, đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống .

Nhân dịp này, Thường vụ, Ban Chấp hành Hội xin bày tỏ sự tri ân đối với các đồng chí cán bộ lão thành, những người có công gây dựng Hội từ những ngày đầu tiên và nhiệt liệt biểu dương tinh thần tự nguyện, tâm huyết với nghề của trên 1.000 hội viên của Hội khắp cả nước, đã và đang từng ngày lặng thầm cống hiến không mệt mỏi cho sự phát triển của ngành cơ khí nông nghiệp.

Ban Chấp hành Hội kêu gọi toàn thể hội viên, các đơn vị, tổ chức thuộc Hội phát huy tinh thần yêu nước, yêu nghề và những thành quả của 25 năm xây dựng và phát triển Hội, tiếp tục cống hiến, đóng góp tích cực hơn nữa để xây dựng Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Số lần xem trang: 2166