Phan Hiếu Hiền (PHH), Khoa Cơ khí- Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh
Lời giới thiệu
Người biên tập, Phan Hiếu Hiền (PHH), năm nay 70 tuổi, đã về hưu sau 38 năm giảng dạy ở Khoa Cơ khí- Công nghệ thuộc Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh[1]. Mười năm hưu, cũng đã tham gia tư vấn vài Dự án, nay rảnh rổi hơn, nên nghĩ đến việc chuyển tải thông tin đến các bạn trẻ hơn, hy vọng giúp họ chút ít trong công việc nghiên cứu và ứng dụng.
Chủ đề CÔNG THÔN (viết tắt từ “Công nghiệp hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn”) lấy gợi ý từ tiếng Anh “Agriculural and Biosystems Engineering”, bao gồm:
ü Cơ giới hóa nông nghiệp, bao gồm: trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản (Machinery systems)
ü Tài nguyên Đất, Nước, và Môi trường
(Natural Resources & Environmental Systems)
ü Xây dựng chuồng trại, nhà xưởng phục vụ nông nghiệp
(Plant, Animal, & Facility Systems)
ü Sau thu hoạch và chế biến nông lâm thủy sản, kể cả chế biến thực phẩm.
(Processing Systems)
ü Năng lượng trong nông nghiệp (Energy Systems)
Nội dung các bài viết bao gồm:
- Bài thông tin, tóm tắt từ các bài báo nước ngoài, như Tạp chí ASABE (Mỹ), AMA (Nhật) v.v, và một số bài báo trong nước.
- Bài thông tin, do PHH có dịp đi đến các nơi và ghi lại.
- Bài viết của PHH trước đây, biên tập rút gọn lại cho phù hợp với mục đích thông tin.
- Bài nghiên cứu mới của thân hữu, nếu có.
Sau mỗi bài, có thể bổ sung thêm một số thông tin để người đọc có thể hiểu rõ hơn. Công Thôn là ngành rất rộng, người chuyên sâu về một lĩnh vực hẹp cần tương tác với các lĩnh vực khác. Đây sẽ là diễn đàn cho các ý kiến, phê bình, gợi ý, trao đổi v.v, sẽ được chọn và đăng vào các số tiếp theo.
Hình thức trình bày có dạng như một bản tin, ba tháng một lần “xuất bản” dạng file PDF theo hai kênh: 1) Facebook, tài khoản “Công Thôn”; 2) Blog Wordpress.
Một số qui tắc được áp dụng cho bản thông tin này:
- Mỗi tác giả chịu trách nhiệm về bài viết / ý kiến của mình.
- Nếu có phê bình, chỉ để “ôn cố tri tân” hướng về tương lai, tránh đả kích chung chung hay đả kích cá nhân.
- Không lồng ghép nội dung chính trị vào bài viết. Vì chỉ một chi tiết nhỏ cũng đủ đưa đến tranh luận đa chiều trong lĩnh vực lớn này; có lẽ các nội dung này thích hợp hơn ở các môi trường xuất bản khác.
- Các thông tin này đóng vai trò “bảng chỉ đường” đến các tài liệu gốc, nên giá trị tham khảo khá hạn chế. Người đọc cần liên hệ với tác giả gốc để tham khảo trong các nghiên cứu chính quy.
Hy vọng tập thông tin này được người đọc đón nhận. Xin cám ơn các góp ý và phê bình, gửi về phhien1948@gmail.com.
Phan Hiếu Hiền
[1] Các tên cũ: Trung tâm quốc gia nông nghiệp, Đại học nông nghiệp Sài Gòn, Đại học nông nghiệp 4.
Khoa Cơ khí- Công nghệ (1993) là sự tiếp nối Ban Công thôn (1965), Khoa Cơ khí Nông nghiệp (1976), với nội dung đào tạo và nghiên cứu đa ngành so với trước đây.
Số lần xem trang: 2403